Priming effect là gì? Áp dụng hiệu ứng mồi trong marketing & sale
Hiệu ứng mồi (priming effect) là hiệu ứng tâm lý diễn ra trong não bộ khi kết quả hành động bị ảnh hưởng bởi một vài thông tin sau khi tiếp nhận. Bạn đã bao giờ liên tưởng đến bầu trời hay biển cả sau khi nhìn thấy màu xanh dương? Đây là ảnh hưởng tâm lý do hiệu ứng mồi. Vậy priming effect là gì? Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu hiệu ứng mồi, có những dạng nào cũng như được ứng dụng như thế nào nhé.
Priming effect là gì?
Hiệu ứng mồi – Priming effect là hiệu ứng tâm lý khi bạn tiếp nhận sự kích thích, kích thích này sẽ tác động đến phản hồi của bạn với kích thích tiếp theo một cách tự nhiên mà không có sự hướng dẫn nào của ý thức.
Nói một cách khác, đã có một sự gợi ý trong vô thức tác động đến những suy nghĩ và hành động của bạn từ những thông tin (hình ảnh, màu sắc, từ ngữ) mà bạn đã tiếp nhận trước đó.
Ví dụ: Bạn đang tìm một nơi thư giãn cuối tuần sau đó vô tình thấy ảnh một cây đàn guitar trên mạng xã hội. Vậy là bạn nghĩ ngay đến quán cà phê acoustic.
Khá thú vị đúng không nào. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách hiệu ứng mồi được hình thành nhé.

Nguyên nhân hình thành hiệu ứng mồi
Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân hình thành hiệu ứng mồi là do não bộ chúng ta có những đơn vị lưu trữ thông tin dài hạn hay còn được gọi là các “lược đồ”. Các lược đồ này sẽ được kích hoạt mỗi khi chúng ta tiếp nhận một thông tin nào đó (nhìn, nghe, ngửi). Khi đó ký ức của chúng ta sẽ trở nên dễ truy xuất thông tin hơn. Các lược đồ chứa các thông tin liên quan hoặc có kết nối với nhau sẽ được kích hoạt cùng lúc từ đó giúp phản hồi nhanh hơn khi có nhu cầu.
Ví dụ: các lược đồ liên quan đến mưa bão và đường trơn trượt sẽ được liên kết trong trí nhớ của chúng ta. Khi đi dưới trời mưa hay bão, chúng ta sẽ nghĩ đến đường trơn trượt và có xu hướng lái xe chậm hơn.

Các dạng priming effect và ví dụ
Như vậy, sau khi tìm hiểu nguyên nhân hình thành thì bạn có thắc mắc là có những dạng hiệu ứng mồi nào hay chỉ có một tên gọi chung duy nhất. Trên thực tế, có rất nhiều cách tiếp cận để phân chia và gọi tên priming effect. Trong số đó, người ta thường chia hiệu ứng mồi thành những dạng tương ứng sau đây để dễ phân biệt, đó là:
- Hiệu ứng mồi trực tiếp
- Hiệu ứng mồi gián tiếp
- Hiệu ứng mồi thương hiệu
- Hiệu ứng mồi bằng hình ảnh
- Hiệu ứng mồi bằng màu sắc
Hiệu ứng mồi trực tiếp
Bạn bước vào một cửa hàng điện thoại và nhân viên cửa hàng hỏi bạn có cần mua một chiếc điện thoại với dung lượng pin lớn hay không. Lúc này bạn sẽ đặc biệt chú ý hơn vào dung lượng pin giữa những chiếc điện thoại hơn những tính năng khác như tốc độ xử lý hay chất lượng camera,…Rõ ràng, nhân viên cửa hàng vừa áp dụng hiệu ứng mồi trực tiếp một tính năng của điện thoại vào tâm trí bạn.
Hiệu ứng mồi gián tiếp
Khi bạn đang loay hoay tìm mua bữa tối trong siêu thị thì một bài nhạc Pháp được bật lên, thế là bạn nghĩ ngay đến việc nấu một món Pháp để chiêu đãi cả nhà. Bài hát đã tạo hiệu ứng mồi gián tiếp gợi lên trong đầu bạn những liên tưởng đến nước Pháp, bao gồm cả ẩm thực.
Hiệu ứng mồi thương hiệu
Một nghiên cứu từng được thực hiện tại đại học Boston để xem xét tác động của logo các thương hiệu đến trò chơi đua xe điện tử. Mỗi chiếc xe đều được dán logo của một thương hiệu khác nhau. Kết quả, người chơi cho biết những chiếc xe dán nhãn nước tăng lực Red Bull giúp họ cảm thấy tràn đầy năng lượng và chạy nhanh hơn. Đây là kết quả từ hiệu ứng mồi thương hiệu.
Hiệu ứng mồi bằng hình ảnh
Với hiệu ứng mồi bằng hình ảnh, khi nhìn thấy hình ảnh gương mặt hạnh phúc thường xuyên bạn sẽ có những suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn. Ngược lại nếu nhìn vào những hình ảnh đau buồn thường xuyên sẽ khiến bạn có những suy nghĩ tiêu cực hơn.
Hiệu ứng mồi bằng màu sắc
Nhìn vào màu sắc có thể giúp khơi gợi các cảm xúc hoặc suy nghĩ khác nhau, hay nói cách khác đây là hiệu ứng mồi bằng màu sắc. Ví dụ như màu đỏ làm bạn nghĩ đến sự năng động, nhiệt huyết còn màu hồng làm bạn nghĩ đến tình yêu, sự quan tâm,…

Ứng dụng priming effect trong marketing
Với những tác động đa dạng, priming effect sớm được ứng dụng trong việc truyền thông, marketing nhằm làm tăng doanh số và độ nhận diện thương hiệu.
Tư duy hình ảnh (visual thinking) chịu tác động lớn từ priming effect. Trong UX Design, tương tác hình ảnh sẽ nhanh hơn, trực quan và sinh động hơn. Mỗi hình ảnh, biểu tượng đều “mồi” dẫn người dùng đến thói quen hoặc tạo ra kỳ vọng.
Với UX Writer, tư duy ngôn ngữ (verbal thinking) cũng tạo nên tác động đáng kể trong hành vi người dùng.
Hiệu ứng mồi được chia thành 2 nhóm tương tác:
- Các đối tượng nhận thức (perceptual primes): nút bấm, đường link, màu sắc, hình dạng, logo, phông nền, hình ảnh,…
- Các đối tượng mồi khái niệm (conceptual primes): thông báo, tooltips, placeholder,…
Bạn có thể bắt gặp hiệu ứng mồi bằng câu chữ ở bất cứ đâu trên giao diện người dùng tương tác. Thanh tìm kiếm với kính lúp là mồi dẫn icon nhưng nội dung bên trong là placeholder – thanh nhập thông tin chính là mồi dẫn bằng chữ kích thích người dùng tìm kiếm.

Ứng dụng của hiệu ứng mồi thường thấy nhất trong việc nhận dạng thương hiệu đó là màu sắc. Những thương hiệu về công nghệ, y tế muốn mang đến cảm giác tin cậy, thoải mái, chắn chắn cho khách hàng thường sử dụng màu xanh dương làm màu chủ đạo. Ví dụ: VNPT, Nivea, Samsung,…
Ứng dụng thực tiễn của hiệu ứng mồi trong marketing là gì?
Những thương hiệu thức nữ tính, trẻ trung thường sử dụng màu hồng làm màu chủ đạo để gợi lên sự vui vẻ, ngọt ngào, tràn đầy năng lượng. Ví dụ: Barbie, Diana,… Hoặc là khi Tết đến, các thương hiệu thường tô điểm cho sản phẩm của mình bao bì mới với màu đỏ và vàng, điều này giúp cho khách hàng cảm nhận được “vị Tết” trong sản phẩm và có thể ưu tiên mua hơn các sản phẩm với bao bì bình thường.
Ngoài ra các thương hiệu cũng áp dụng hiệu ứng mồi bằng hình ảnh cụ thể. Điển hình là Mc Donald luôn sử dụng hình ảnh chiếc cổng màu vàng trong các chiến dịch marketing của mình. Mọi người sẽ liên kết hình ảnh chiếc cổng vàng với những giai điệu tươi trẻ và thời gian hạnh phúc bên gia đình. Từ đó, mỗi khi ra ngoài phố để mua thức ăn thì chiếc cổng màu vàng sẽ là một lựa chọn được ưu tiên.

Tương tự, khi bạn đang muốn mua một loại rượu thì âm thanh bạn đang nghe hoặc nghe gần đây sẽ tác động đến quyết định mua của bạn. Nếu bạn nghe thấy một bài nhạc Pháp bạn sẽ có xu hướng tìm mua rượu Pháp và ngược lại, nếu bạn nghe thấy một bài hát tiếng Đức bạn sẽ có xu hướng tìm mua rượu Đức.
Tổng kết
Hiệu ứng mồi – priming effect là hiệu ứng tâm lý tác động trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của chúng ta trước những kích thích từ bên ngoài. Khi nhìn vào những hình ảnh như bồn tắm, khăn tắm, chúng ta sẽ có xu hướng liên tưởng đến xà phòng hơn là một món ăn.
Nguyên nhân hình thành hiệu ứng mồi được cho là việc liên kết giữa những lược đồ trong trí nhớ dài hạn giúp chúng ta truy xuất các thông tin liên quan nhanh hơn.
Hiệu ứng mồi thường được chia thành các dạng như mồi trực tiếp, mồi gián tiếp, mồi thương hiệu, mồi bằng hình ảnh và mồi bằng màu sắc. Đồng thời hiệu ứng mồi cũng được áp dụng trong marketing và các lĩnh vực khác.
Bạn có biết một ứng dụng khác của hiệu ứng mồi? Đừng ngần ngại chia sẻ qua phần bình luận bên dưới nhé!
Nguồn tham khảo
Bias. (2021). Why do some ideas prompt other ideas later on without our conscious awareness? Truy cập ngày 1/1/2022.
ScienceDirect. (2021). Priming Effect – an overview. Truy cập ngày 2/1/2022.
Tác Giả Bài Viết

Bài Viết Mới
Digital Marketing2023.03.01E-E-A-T là gì? Các cập nhật mới và cách cải thiện E-E-A-T SEO
Chiến lược Marketing2022.01.20Hành trình khách hàng là gì? Cách xây dựng customer journey map
Chiến lược Marketing2022.01.11Hiệu ứng mỏ neo là gì? Ứng dụng anchoring effect như thế nào?